Lương y Nguyễn Kiều: Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Tuệ Tĩnh - Người thầy thuốc Nam tiêu biểu của nền y học dân tộc Việt Nam

Date: 07/12/2017Lượt xem: 24786

Lương y Nguyễn Kiều, một thầy thuốc, một chiến sĩ cách mạng đã gắn bó cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, cho nền thuốc nam của nước nhà.







Lương y Nguyễn Kiều (1891-1974)

Ông sinh ngày 25 tháng 5 năm 1891, ở thôn Hai, xã Hòa Long, huyện Lai Vung, tỉnh Sa Đéc (nay là tỉnh Đồng Tháp). Vốn là thầy thuốc bắc nổi tiếng, song xuất phát từ lòng yêu nước thương dân, ông đã theo con đường của Tuệ Tĩnh say mê nghiên cứu thuốc nam chữa bệnh cho người lao động. Ông sớm giác ngộ cách mạng, năm 1927 tham gia phong trào Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội. Đầu năm 1930, ông bị thực dân Pháp bắt và đầy ra Côn Đảo với cái án 20 năm tù khổ sai.

Trong 15 năm tù đầy ở nơi “địa ngục trần gian” chịu biết bao đau đớn về thể xác, nhưng với nghị lực của một chiến sĩ cách mạng ông đã vượt qua xiềng xích, tra tấn dã man của cai ngục, giữ vững ý chí cách mạng. Được tổ chức Đảng phân công, trực tiếp bác Tôn Đức Thắng giao nhiệm vụ, ông đã lựa chọn một số bạn tù biết làm thuốc tổ chức cơ sở thuốc Nam. Lợi dụng những lúc đi làm khổ sai, hái lượm cây thuốc xung quanh đảo, bí mật lấy nhà bếp là nơi chế biến thuốc chữa bệnh cho tù nhân chính trị cùng tù thường phạm. Với kiến thức vững vàng về Đông y, với những trải nghiệm qua thực tiễn chữa bệnh, ông sử dụng nguồn dược liệu phong phú ở trên đảo và ven bờ biển đảo có tới gần 200 loại thực phẩm và dược liệu như: chim, thú, cá, dừa, ngũ gia bì, thổ phục linh, ngải tượng, củ gai, ngải cứu,… cứu chữa cho hàng ngàn chiến sĩ cách mạng và tù thường phạm, thậm chí cả người thân của bọn cai ngục, khiến chúng cũng phải nể phục. Cải thiện cách đối xử với cuộc sống của các tù nhân trên Đảo. Ông nghiên cứu đúc kết ra những bài thuốc, môn thuốc chữa bệnh hiệu quả hoàn toàn bằng thuốc nam gửi về đất liền. Truyền thụ và đào tạo được đội ngũ thầy thuốc Nam phục vụ Hội tù Côn Lôn (Côn Đảo).

Ông được mọi người quý mến đặt cho tên gọi thân mật “ Ba Kiều Côn Lôn”. Cái tên “Ba Kiều Côn Lôn” thể hiện tình cảm thân thương của đồng chí bạn bè, nhưng cũng là nỗi khiếp sợ đối với bọn tù du côn anh chị thường bị cai ngục lợi dụng để chống phá các cuộc đấu tranh của tù chính trị.

Cách mạng tháng tám năm 1945, ông cùng nhiều chiến sĩ trở về đất liền tiếp tục hoạt động cách mạng. Ông đã tham gia nhiều cương vị và ở nhiều địa bàn công tác khác nhau: trưởng ty Công an tỉnh Sa Đéc, phó ban Quân dân y Nam bộ, trưởng ban Quân y bộ đội tình nguyện Việt Nam Campuchia

Đi đến đâu ông cũng hướng dẫn học trò cùng cán bộ địa phương và nhân dân trồng và sử dụng câu thuốc tại chỗ xây dựng tủ thuốc gia đình, tủ thuốc kháng chiến kiến quốc. Ông cùng bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng trưởng ban Quân dân y (sau này là Viện trưởng Viện Đông y trung ương, Bộ trưởng Bộ y tế), một thầy thuốc tây y giàu nhiệt huyết đông y nghiên cứu đơn thuốc nam “căn bản” của lương y Võ Tuấn Hưng cống hiến, rồi đem kiến thức đúc kết thành “Toa căn bản” vận dụng chữa được nhiều loại bệnh theo hướng kết hợp Đông – Tây y trên cơ sở ba nguyên tắc: giải độc, kích thích, điều hòa, phổ biến rộng rãi trong chín năm kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ.

Năm 1954 tập kết ra Bắc, ông xin Bộ y tế cho rời khỏi Bệnh viện chống lao Trung ương, tình nguyện đi xuống các địa phương xây dựng tủ thuốc nam tự túc tại xã. Ông là người trực tiếp khám chữa bệnh, dạy học trò là con em nông dân ở địa phương bốc thuốc, chế biến thuốc chữa bệnh cho nhân dân. Hiểu rõ lợi ích của thuốc nam, cảm động trước tấm lòng của ông, gần một ngàn cụ lão nông xã Nam Tiến, huyện Phú Xuyên (Hà Đông), đã ký vào văn bản kiến nghị xin “ Chính phủ cho nhân dân được dùng thuốc Nam”.

Năm 1957, ông trở về Hà Nộ tham gia Ban vận động thành lập Hội Đông y Việt Nam. Vẫn là con người luôn coi trọng hoạt động thực tế, ông xây dựng hợp tác xã y dược liên khu 5, Tập Đoàn đông y Miền Nam, xây dựng Hợp tác xã thuốc dân tộc Chùa Bộc – Đống Đa nổi tiếng thủ đô Hà Nội (nay là Công ty cổ phần thuốc dân tộc Chùa Bộc).
Năm 1960, ông về làm chủ nhiệm khoa thuốc Nam Viện nghiên cứu đông y trung ương, ông tiếp tục tổng kết biên soạn nhiều tài liệu giảng dạy cho các môn sinh. Năm 1961 nhà xuất bản y học Bộ y tế xuất bản cuốn “cơ bản tính thuốc Nam” do ông biên soạn.

Năm 1962, ông được Bộ y tế giao nhiệm vụ mở trường thuốc ta tại đền Đậu , huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. Trường mở được ba khóa đào tạo được 300 lương y, bổ túc cho hàng chục y bác sĩ về y học dân tộc, cuối năm 1965, trường gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất lại trong hoàn cảnh để quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc, trường phải ngừng hoạt động. Ông được nghỉ hưu ở tuổi 79. Ông ở lại tỉnh Vĩnh Phúc giúp địa phương và các học trò phát triển thuốc nam chăm sóc sức khỏe nhân dân. Ông tiếp tục gửi tâm thư lên các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ trình bày về kế hoạch đào tạo cán bộ thuốc Nam đáp ứng cho yêu cầu tự túc thuốc Nam tại xã chăm sóc sức khỏe nhân dân, chuẩn bị cho ngành y tế thống nhất cả nước, thâm chí cho cả Đông Dương sẵn sàng không để bị động sau này. Với hoài bão làm cuộc cách mạng thuốc dân tộc Việt Nam độc lập không phụ thuộc vào thuốc nước ngoài.

Tháng 2 năm 1967, ông trở về tỉnh Hà Tây xây dựng tủ thuốc Nam Hợp tác xã nông nghiệp Hà Trì xã Hà Cầu thị xã Hà Đông. Xã viên uống thuốc không phải mất tiền nên còn được gọi là “tủ thuốc Nam Xã hội chủ nghĩa:. Được Đảng bộ Hà Cầu và nhân dân hết lòng ủng hộ. Ông còn nhận làm Cố vấn thuốc nam Bộ Tư lệnh công an nhân dân vũ trang và cố vấn thuốc Nam Ty y tế Hà Tây.

Đầu năm 1969, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm tủ thuốc Nam Hà Trì, Thủ tướng giao cho ông xây dựng trường thuốc Nam nằm trong hệ thống đào tạo các trường trung học, đại học chính quy của Nhà nước. Theo đề nghị của ông, Thủ tướng đồng ý giao cho bộ Tư lệnh công an nhân dân vũ trang cử y bác sĩ quân y đến học thừa kế và giúp ông tổ chức, quản lý, xây dựng trường. Trường được mang tên Đại danh y Tuệ Tĩnh đặt ở xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây (nay thuốc TP. Hà Nội)

Ngay từ khi trường Tuệ Tĩnh được thành lập, ông đã có định hướng xây dựng theo mô hình đào tạo kết hợp với bệnh viện thực hành với phương châm “Làm rồi biết” học đi đôi với hành, lý thuyết phải đi đôi với thực tiễn, sử dựng những cây con tại chỗ chữa bệnh cho nhân dân, coi trọng kết hợp ăn uống chữa bệnh, luyện tập dưỡng sinh, vệ sinh phòng bệnh. Ông đề cao phương pháp chẩn đoán, phòng chữa một cách khoa học sáng tạo, đồng thời kế thừa những bài thuốc hay, cây thuốc quý, kinh nghiệm độc đáo của các thế hệ ông cha thủa trước để làm phong phú thêm các phương pháp chữa bệnh của thuốc Nam. Chống tư tưởng chữa bệnh theo kinh nghiệm giáo điều “khứ y tồn dược” trong các thầy thuốc.

Tại trường song song với việc chữa bệnh cho các đồng chí lãnh đạo trung ương và bạn bè quốc tế, ông còn dành thời gian tổng kết kinh nghiệm hơn 60 năm chữa bệnh cho cán bộ, bộ đội và nhân dân ở cả hai miền Nam Bắc biên soạn thành chương trình giảng dạy của trường Tuệ Tĩnh, gồm các tài liệu:
- Phương pháp chẩn trị thực tiễn
- Cơ bản tính thuốc ta
- Bản thảo thuốc Việt Nam Côn Lôn
- 500 chứng, 10 nguồn bệnh, hàn nhiệt, hư thực 31 công thức chữa bệnh bằng thuốc ta. Ba bệnh tổng hợp, sáu chứng nặng, bảy bệnh khó.
- Y pháp, y phương, y lý cách mạng. Tủ thuốc nhân dân diễn ca.
- 5 nguyên tắc, 13 điểm chỉ dẫn sử dụng dược, 300 bài thuốc nam thông dụng và gần 500 dược vật (vị thuốc) đang sử dụng.
Ông khát khao xây dựng nền y học dân tộc Việt Nam độc lập, tự chủ, tự cường, khắp các xã phường đều có thầy tại chỗ, thuốc tại chỗ, người nghèo uống thuốc không phải mất tiền. Ông luôn giáo dục cho các học trò ý chí tiến công cách mạng, kiên định, đường lối y học Đảng cùng lời dạy của chủ tịch Hồ Chí Minh: Xây dựng nền y học Việt Nam dân tộc, khoa học và đại chúng. Ông nghiêm khác rèn dạy các học trò đạo đức nghề y “thầy thuốc như mẹ hiền” thể hiện cụ thể tinh thần trách nhiệm, động cơ, thái độ của người thày thuốc trong từng khâu nghiệp vụ, chẩn đoán, điều trị dùng thuốc, chăm sóc phục vụ người bệnh kịp thời, hiệu quả, thuận tiện, nhiều nhanh tốt rẻ.

Năm 1974, ông bước vào tuổi 83, những đòn tra tấn của kẻ thù với 15 năm sống khắc khổ trong nhà tù đế quốc và cả thời gian dài làm việc không nghỉ. Sau đợt chữa bệnh phù viêm thân cho con trai của tổng bí thư đảng nhân dân các mạng Lào. Sức khỏe của ông giảm đi nhiều. Biết bệnh, biết mệnh không thể tránh khỏi quy luật sinh tử của tạo hóa, ông gấp rút truyền dạy các học trò thừa kế đến hơi thở cuối cùng tại trường Tuệ Tĩnh ngày 02 – 12 – 1974, tức ngày 19 tháng 10 năm Giáp Dần, hưởng thọ 83 tuổi.

Với công lao cống hiến cho cách mạng và sự nghiệp y học dân tộc, ông được Nhà nước và Chính phủ tặng thưởng:
- Huân chương kháng chiến hạng nhất
- Huy hiệu thành đồng tổ quốc
- Huân chương lao động hạng hai (năm 1962)
Và nhiều danh hiệu cao quý khác.

Lương y Nguyễn Kiều, người sáng lập trường thuốc Nam Tuệ Tĩnh, tiền thân của Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam ngày nay, xứng danh người thày thuốc Nam tiểu biểu của nền y học cổ truyền dân tộc Việt Nam.
Trung tâm TTTV – Truyền thống
Hội đồng môn Tuệ Tĩnh


- Viết theo tư liệu của bài báo nhân dân viết về Lương y Nguyễn Kiều trong bài “tình thầy trò” đăng trang nhất, thứ 7 ngày 14 tháng 2 năm 1998
- Hồi ký của đại tá, bác sĩ Hoàng Thủ - nguyên hiệu phó trường Tuệ Tĩnh, giám đốc bệnh viện y học dân tộc quân đội.
- Nhà tù Côn Đảo những năm 1930 – 1945 (nhà xuất bản sự thật năm 1983)
- Ba Kiều Côn Lôn người sáng lập trường Tuệ Tĩnh (nhà xuất bản Hà Nội năm 2013)



Lý Thời Trân
Lý Thời Trân, tự Đông Bích, về già tự hiệu là Tần Hồ sơn nhân, người đời Minh, Kỳ Châu (nay là Hồ Bắc, Kỳ Xuân, Kỳ Châu).  Ông là nhà y dược học vĩ đại của...
Xem thêm
TUỆ TĨNH
Tên thật là Nguyễn Bá Tĩnh, hiệu Huệ Tĩnh, sau này khi đi tu, lấy pháp hiệu là Tuệ Tĩnh. Quê làng Nghĩa Phú, tổng Văn Thai, huyện Cẩm Giàng, phủ Thượng Hồng,...
Xem thêm
HẢI THƯỢNG LÃN ÔNG
Hải Thượng Lãn Ông tên húy là Lê Hữu Trác tên thường là Lê Hữu Chẩn, là một đại y tôn của nước ta. Sinh ngày 12/11/1724 năm Giáp Thìn về cuối đời Hậu Lê, ở...
Xem thêm
Trương Trọng Cảnh
Tên là Cơ, người đời Đông Hán, quận Nam Dương (nay là Hà Nam, Nam Dương). Ông là tác giả quyển ‘Thương Hàn Tạp Bệnh Luận’, một quyển sách y học rất có giá trị...
Xem thêm
Hoa Đà
Hoa Đà, tự Nguyên Hóa, lại có tên Phu, sống vào thời Tam Quốc. Ông là người nước Bái (nay là tỉnh An Huy, Trung Quốc). Ông thông y thuật toàn diện, giỏi ngoại...
Xem thêm
Copyright © 2016 Vatm.edu.vn